Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Đề tài trên đây cũng được thảo luận trực tiếp trên trang nhà của văn phòng, www.rmiodp.com, tiết mục Radio, vào mỗi tối thứ Tư , từ 7:00-8:00 giờ.
(Robert mullins International) Các nhân viên Lãnh sự Hoa Kỳ ở Việt Nam duyệt xét mối quan hệ trong sáng của những hồ bảo lãnh đồng tính cũng giống như những hồ sơ bảo lãnh của những người khác tính. Điều rốt ráo vẫn là mối quan hệ trong sáng, không gian dối. Nhân viên phỏng vấn sẽ nói chuyện với đương đơn, hỏi những câu tương tự như những cặp khác tính. Nếu người bảo lãnh đến chung với người được bảo lãnh, nhân viên lãnh sự có thể mời cả hai phỏng vấn chung. Họ sẽ xem xét mọi vấn đề và sẽ quyết định mối quan hệ này có chân thật hay không. Nếu mọi vấn đề minh bạch, chân thật, nhân viên lãnh sự sẽ cấp chiếu khán (visa) cho đương đơn.
Những cặp đồng tính có thể sống ở bất cứ tiểu bang nào. Nếu cuộc hôn nhân của những cặp đồng tính có giá trị ở tiểu bang Hoa Kỳ hoặc ở những nước khác, thì cuộc hôn nhân này hợp lệ trong những mục đích di trú.
Ở Việt Nam hiện nay, những cặp đồng tính được tổ chức đám cưới, nhưng họ không thể xin hôn thú. Vì thế, những nghi lễ cưới hỏi ở Việt Nam không giúp gì được cho những mục đích di trú. Giải pháp duy nhất là họ phải bảo lãnh theo diện hôn thê - hôn phu (tức fiancée).
Bằng chứng mang theo trong cuộc phỏng vấn: Các đương đơn xin chiếu khán du lịch bị từ chối thường than phiền rằng nhân viên phỏng vấn không hề quan tâm đến tất cả bằng chứng mà họ mang đến cuộc phỏng vấn. Họ nói rằng: "Nhân viên lãnh sự không hề ngó đến tất cả giấy tờ của tôi". Và câu trả lời của người phỏng vấn là "Đúng, nhưng tôi đã phỏng vấn bạn"!
Đối với nhân viên lãnh sự, không một giấy tờ nào có thể cho thấy đương đơn xin chiếu khán sẽ trở về Việt Nam khi thời hạn cho phép ở Hoa Kỳ chấm dứt. Sổ ngân hàng, thư mời, giấy chủ quyền xe, giấy tờ nhà đất: không có ý nghĩa gì cả. Nếu đương đơn có ý định ở lại Mỹ luôn, họ sẽ sẵn sàng bỏ lại mọi thứ ở Việt Nam. Công việc của nhân viên lãnh sự là phỏng vấn đương đơn, chứ không để xem giấy tờ, ngoại trừ những trường hợp rất đặc biệt.
Tác Động Hành Pháp của Tổng thống Obama có những thay đổi tạm thời: Mới đây, Chánh án Andrew S. Hanen, một chánh án tòa quận liên bang, đưa ra quyết định về vụ án được đệ nộp bởi tiểu bang Texas và 25 tiểu bang chống lại những đề nghị tạm hoãn trục xuất mới của Tổng thống Obama. Quyết định này, chánh án Hanen ra lệnh ngưng tạm thời việc bắt đầu chương trình nới rộng Tạm Hoãnh Thi Hành (Trục Xuất) Những Người (Đến Mỹ) Từ Thơ Ấu (tức Deferred Action for Childhood Arrivals - gọi tắt là chương trình DACA), và chương trình Tạm Hoãn (Trục Xuất) Những Cha Mẹ của Công Dân Hoa Kỳ và Thường Trú Nhân Hợp Pháp (tức Deffered Action for Parents of Americans and Legal Permanent Residents, gọi tắt là chương trình DAPA).
Có ba điều chúng ta cần lưu ý:
1. Đây chỉ là một vấn đề tạm ngưng, không phải là sự thất bại. Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ phản đối mạnh mẽ quyết định của tòa án này. Hồ sơ hiện đang đệ nộp lên Tòa Thượng Thẩm Rộng Quyền Thứ Năm. Chưa rõ thời gian Tòa Thượng Thẩm sẽ có quyết định về vụ án. Trong thời gian này, các đương đơn hội đủ điều kiện của chương trình DACA nới rộng và chương trình DAPA nên tiếp tục hoàn chỉnh giấy tờ và để dành tiền lệ phí để sẵn sàng nộp đơn khi việc tạm ngưng này chấm dứt.
2. Quyết định trên không ảnh hưởng đến chương trình DACA nguyên thủy được công bố vào tháng Sáu 2012, và những cải tổ hành chánh khác đã tuyên bố vào tháng 11 năm 2014. Nhưng đương đơn vẫn có thể tiếp tục nộp đơn xin chương trình DACA nguyên thủy nếu họ đến Hoa Kỳ dưới 16 tuổi, hiện không còn diện cư trú hợp lệ, ở Hoa Kỳ từ năm 2007 và dưới 31 tuổi lúc nộp đơn.
Vụ án này cũng không ảnh hưởng đến việc Sở di trú điều chỉnh lại việc đòi hỏi phải chứng minh tình trạng "vô cùng khó khăn" của những hồ sơ I-601/601A.
3. Sự ủng hộ những tác động hành pháp của tổng thống lan rộng khắp nơi:
12 tiểu bang, cộng thêm Quận Columbia (DC), 33 thành phố, cùng với Liên Đoàn Các Thị Trưởng Hoa Kỳ, Liên Đoàn Quốc Gia của Những Thành Phố, các cảnh sát trưởng đã đưa ra những ủng hộ mạnh mẽ về những sáng kiến vừa qua của tổng thống. Quảng đại quần chúng Hoa Kỳ đều ủng hộ những tác động hành pháp của tổng thống Obama.
Những cam kết của việc Bảo Trợ Tài Chánh I-864: Đơn I-864 là một bản cam kết hứa hẹn sẽ giúp đỡ người di dân để họ sẽ không dựa vào sự giúp đỡ của chính phủ để trả tiền mua thực phẩm hoặc trả những hóa đơn nợ nần. Khi ký tên trên đơn Bảo Trợ Tài Chánh, người bảo trợ đồng ý giúp đỡ người di dân ở mức 125% theo tiêu chuẩn nghèo đói của liên bang.
Việc ly dị có thể thay đổi những cam kết Bảo Trợ Tài Chánh không? Không. Người bảo trợ vẫn còn cam kết giúp đỡ người hôn phối cũ ở mức 125% theo tiêu chuẩn nghèo đói. Những cam kết này còn hiệu lực cho đến khi người hôn phối trở thành công dân Mỹ, hay làm việc trong 10 năm với những việc mà họ đóng tiền theo hệ thống An Sinh Xã Hội, hoặc họ từ bỏ quy chế thường trú nhân.
Tối Cao Pháp Viện sẽ duyệt xét những trường hợp bị từ chối theo chính sách "Không tái duyệt (quyết định) của Lãnh sự": Mới đây, chúng tôi đã nói về những quyết định của nhân viên lãnh sự không thể kháng cáo tại những tòa án ở Hoa Kỳ. Chính sách "Không tái duyệt xét (quyết định) của lãnh sự" có nghĩa là nếu một nhân viên lãnh sự từ chối đơn xin chiếu khán, các tòa án tại Hoa Kỳ sẽ không có quyền đảo ngược quyết định này.
Vì thế, nếu một nhân viên lãnh sự từ chối đơn xin chiếu khán mà không giải thích, hoặc không có lý do rõ rệt, người bảo lãnh công dân Hoa Kỳ sẽ không thể đưa vấn đề này lên những Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ được. Một tòa án Liên Bang tại Hoa Kỳ không có thẩm quyền can dự quyết định của một nhân viên lãnh sự thuộc Bộ Ngoại Giao.
Hồ sơ Kerry v. Din liên quan đến một người vợ công dân Mỹ kết hôn với một công dân A Phú Hãn. Sở di trú chấp thuận đơn bảo lãnh I-130 nhưng tại cuộc phỏng vấn chiếu khán ở A Phú Hãn, người chồng bị từ chối cấp chiếu khán. Chín tháng sau ngày phỏng vấn, Lãnh sự Hoa Kỳ vẫn không đưa ra lý do rõ rệt nào về việc từ chối này, và chỉ nói rằng không có khả năng nào có thể nộp đơn xin miễn trừ được.
Trong tháng Hai, 2015, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ nghe tranh luận về hồ sơ Kerry v. Din.
Tòa sẽ quyết định về những giới hạn về chính sách "Không tái duyệt xét (quyết định) của lãnh sự" trong những hồ sơ xin chiếu khán di dân của thân nhân là công dân Hoa Kỳ. Quyết định của tòa hy vọng sẽ có trong một vài tháng tới.
Hỏi Đáp Di Trú
- Hỏi: Nếu người vợ ngoại quốc của tôi và tôi ly dị, và cô ta tái hôn rồi lại ly dị. Tôi vẫn còn phải giữ cam kết giúp đỡ cô ta ở mức 125% theo tiêu chuẩn nghèo đói không?
- Đáp: Đúng. Nếu người vợ ngoại quốc của qúy vị ly dị lẩn thứ hai, sự cam kết của qúy vị đối với việc Bảo Trợ Tái Chánh sẽ vẫn tiếp tục sau lần ly dị thứ hai.
- Hỏi: Những cuộc hôn nhân đồng tính có giống như những cuộc hôn nhân khác tính, được giảm thời gian khi xin nhập tịch Hoa Kỳ không?
- Đáp: Những cuộc hôn nhân đồng tính được xét giống hệt như những cuộc hôn nhân khác tính, có nghĩa là những người hôn phối ngoại quốc đồng tính có thể nộp đơn xin nhập tịch trong 3 năm sau khi có Thẻ Xanh.
- Hỏi: Nếu cần thiết phải kháng cáo đơn xin chiếu khán bị từ chối, cách nào tốt nhất để bắt đầu tiến hành?
- Đáp: Qúy vị nên chọn những nhà chuyên nghiệp hành nghề di trú, những người có liên hệ tốt với lãnh sự và có thể liên lạc trao đổi hữu hiệu với lãnh sự.
Quý độc giả muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh và phát hình trực tiếp của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7-8PM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM, và 106.3FM và trên trang nhà của văn phòng: www.rmiodp.com, mục Radio. Hoặc liên lạc với một văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: Văn Phòng mới trong khu Hanoi Plaza, trên đường Bolsa (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888 (779 Story Road, phía trước Wal Mart), Sacramento (916) 393-3388 hay Email: info@rmiodp.com.