Trong tháng Tư năm nay, một luật sư ở tiểu bang California đã đệ đơn khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ. Người ta kỳ vọng chính phủ sẽ trả lời vụ kiện này vào ngày 16 tháng Tám sắp tới.
Mục đích của vụ kiện này nhằm mở rộng hơn Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em, để giúp ích cho những trẻ em bị ở lại vì đã quá tuổi có thể theo cha mẹ sang Hoa Kỳ. Nếu vụ kiện này thành công sẽ ngăn lại tình trạng chia cắt của hàng ngàn gia đình di dân.
Điểm chính của vụ kiện này là gì? Trước năm 2002, chỉ có những trẻ em độc thân, dưới 21 tuổi, mới được phép di dân theo cha mẹ. Nếu một đứa trẻ lên 21 tuổi, cha mẹ là thường trú nhân phải nộp đơn bảo lãnh cho những người con trưởng thành theo diện F2B, và phải đợi nhiều năm mới có thể đoàn tụ gia đình. Nếu những người con này lập gia đình trước khi di dân sang Mỹ, việc chia cắt gia đình sẽ có thể mãi mãi nếu cha mẹ không thể trở thành công dân Hoa Kỳ.
Vì thời gian chờ đợi theo bản thông báo chiếu khán của Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ có thể kéo dài đến 22 năm, nhiều người di dân phải chọn lựa hoặc đến Hoa Kỳ hoặc ở lại để gia đình không bị phân chia.
Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em, trở thành luật năm 2002, có chủ ý ngăn lại thời gian chia cắt quá lâu giữa cha mẹ và các con của họ. Đạo luật này giúp cho những đứa trẻ có thể giảm số tuổi được nhiều tháng hoặc nhiều năm theo thời gian hồ sơ bảo lãnh chờ giải quyết. Vì thế, một người con 22 tuổi, khi cha mẹ đến thời gian đáo hạn nộp đơn xin chiếu khán cho con, sẽ được hưởng lợi ích của đạo luật này nếu đơn bảo lãnh được sở di trú kéo dài việc duyệt xét đến 2 năm. Lấy số tuổi 22 trừ cho 2 năm chờ cứu xét, người con sẽ được tính "số tuổi" là 20 và có thể được phỏng vấn cùng với cha mẹ.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đơn bảo lãnh được duyệt xét chỉ kéo dài 2 tháng thay vì 2 năm? Trong trường hợp này, "số tuổi" theo luật di trú của người con kể trên sẽ là 21 tuổi 10 tháng. Người con này bị xem là "quá tuổi" theo luật cố định. Tuy nhiên, các luật sư từng tin rằng Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em đã tu chính Đạo Luật Quốc Gia và Di Trú để ngăn tình trạng chia cắt người con với cha mẹ trong trường hợp kể trên. Các luật sư nói rằng theo mục đích của Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em - cha mẹ có thể nộp đơn bảo lãnh con và có thể giữ được ngày nộp đơn cũ của hồ sơ bảo lãnh trước đây của cha mẹ. Trong nhiều trường hợp, điều này sẽ giúp cho người con có thể đến ngày đáo hạn để nộp đơn xin chiếu khán ngay lập tức và không phải chờ đợi thêm.
Nhưng tiếc thay, Hội Đồng Di Trú chỉ cho phép một số ít trẻ em có thể được giữ ngày nộp đơn cũ theo đơn bảo lãnh trước đây của cha mẹ. Sau một thời gian ngắn, sở di trú quyết định là những người con bị ở lại cần phải được bảo lãnh với đơn mới và có ngày nộp đơn mới, có nghĩa là các em sẽ phải chờ đợi ít nhất 5 năm trước khi có thể đoàn tụ với cha mẹ ở Hoa Kỳ.
Vị luật sư tin rằng Quốc hội muốn giữ tình trạng gia đình trọn vẹn, hơn là chia cắt họ. Vì thế, những người con bị ở lại sẽ được phép có đơn bảo lãnh mới nhưng với ngày nộp đơn cũ theo hồ sơ bảo lãnh trước đây của cha mẹ.
Hỏi Đáp Di Trú
- Hỏi: Vợ tôi và tôi đang ở Hoa Kỳ, đã được em trai nộp đơn bảo lãnh từ năm 1998. Con trai lớn của tôi còn ở lại Việt Nam vì cháu đã quá tuổi để được hưởng Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em. Chúng tôi đã nộp đơn bảo lãnh cho cháu. Nếu vụ kiện Đạo Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em thành công, thì đơn bảo lãnh cho con trai tôi sẽ ra sao?
- Đáp: Nếu vụ kiện thành công, ngày nộp đơn hay ngày ưu tiên trên đơn bảo lãnh con trai của ông sẽ tự động chuyển sang ngày ưu tiên theo đơn bảo lãnh trước đây của ông mà người em trai đã nộp năm 1998. Nói cách khác, con trai của ông sẽ hợp lệ nộp đơn xin chiếu khán (visa) ngay lập tức.
- Hỏi: Vụ kiện này sẽ chỉ giúp cho các thân chủ ở tiểu bang California hay sao?
- Đáp: Không, đây là một vụ kiện có tính phổ thông. Nếu thành công, kết quả sẽ giúp cho tất cả trẻ em đã phải ở lại vì bị xem là "quá tuổi".
Quý độc giả muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc liên lạc với một văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888 (Văn Phòng mới số 779 trên đường Story Road), Sacramento (916) 393-3388 hay Email: info@rmiodp.com.