LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN DI DÂN TÍNH ĐẾN THÁNG 12-2007
Mục di trú và bảo lãnh do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách hằng tuần, nhằm mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý vị nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Mọi đóng góp ý kiến xin liên lạc 1-800-411-0495
Kỳ trước, chúng ta đã có dịp tìm hiểu về số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ ngày một gia tăng. Mặc dù việc du học đòi hỏi gia đình của đương đơn phải chứng minh khả năng tài chánh có thể đáp ứng tổng chi phí mà đương đơn phải chi trả khi theo học ở Hoa Kỳ, nhưng trong nhiều trường hợp, sinh viên du học vẫn phải tìm các nguồn xin trợ cấp để có thể tiếp tục việc học hành. Bài viết sau đây của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) sẽ cho chúng ta biết thêm về việc xin trợ cấp tài chánh này.
Nói một cách tổng quát, phí tổn học Đại học ở Mỹ bao gồm 4 phần chính. Thứ nhất là học phí hay tuition; thứ nhì là chi phí ăn ở hay room and board, thứ ba là tiền mua sách, và thứ tư là tiền lệ phí bảo hiểm sức khỏe. Số phí tổn này cao hay thấp phần lớn là tùy thuộc vào học phí của trường Đại học mà các bạn muốn theo học. Và hầu hết các trường đều ghi rõ trong tập kỷ yếu Đại học hoặc trên web site của mình số phí tổn mà sinh viên của trường phải đài thọ cho mỗi năm học. Giả dụ như các bạn có ý định theo học ở University of Colorado at Boulder: phí tổn mà các sinh viên ngoại quốc ở đây phải chi trả cho mỗi năm học là gần 31.000 Mỹ kim.
Trong năm nay, có hơn 1.000 sinh viên đến từ hơn 100 nước khác nhau theo học ở University of Colorado, và cũng tương tự như tình trạng ở những trường khác, hầu hết sinh viên quốc tế theo học bậc cử nhân ở trường này đều không nhận được trợ cấp tài chánh. Tuy nhiên, các giới chức của trường này cho biết: một số sinh viên có biệt tài về thể thao hoặc âm nhạc có thể nộp đơn xin trợ cấp tài chánh.
Nhiều trường Đại học ở Mỹ, đặc biệt là các trường Đại học cộng đồng hay community college, có mức học phí thấp hơn nhiều so với học phí của University of Colorado. Tuy nhiên, cũng có một số trường thu học phí ở mức cao hơn.
Lệ phí bảo hiểm sức khỏe là một khoản phí tổn mà phần lớn các sinh viên ngoại quốc thường không biết đến, đặc biệt là những người đến từ những nước mà hầu hết các chi phí trong lãnh vực y tế là do chính phủ đài thọ. Dân chúng ở Mỹ phải tự chi trả những phí tổn chăm sóc sức khỏe, và những phí tổn này có thể nằm ở mức rất cao trong trường hợp mắc bệnh nặng hoặc xảy ra tai nạn. Vì thế cho nên hầu hết các sinh viên ở Mỹ đều phải mua bảo hiểm sức khỏe.
Nhiều trường Đại học ở Mỹ có các trung tâm y tế, trong đó có bác sĩ và y tá chuyên chăm lo những vấn đề sức khỏe thông thường cho sinh viên. Chẳng hạn như sinh viên của University of Michigan ở thành phố Ann Arbor có thể đến trung tâm y tế của trường để được chữa trị những chứng bệnh thông thường. Tuy nhiên, trường này cũng yêu cầu sinh viên tham gia chương trình bảo hiểm sức khỏe do trường này cung cấp để có thể chi trả cho những dịch vụ y tế khác. Lệ phí mà sinh viên ở đây phải trả cho chương trình bảo hiểm sức khỏe của trường là vào khoảng 1.300 Mỹ kim mỗi năm. Thông thường, những chương trình bảo hiểm sức khỏe này chỉ bao gồm những dịch vụ ở bệnh viện, phòng cấp cứu và khám bác sĩ; còn các phí tổn khác như tiền chữa răng hay mua kính cận thị thì sinh viên phải tự trả lấy.
Theo những số liệu của một tổ chức bất vụ lợi ở Mỹ có tên là Hiệp Hội Các Nhà Giáo Dục Quốc Tế, hơn hai phần ba trong số khoảng nửa triệu sinh viên quốc tế ở Mỹ phải dùng tiền của chính mình hoặc của gia đình để đài thọ cho phí tổn học Đại học. Sở dĩ như vậy là vì ở Mỹ có rất ít các khoản trợ cấp tài chánh dành cho sinh viên người ngoại quốc.
Các sinh viên quốc tế theo học những chương trình bậc cao học hay tiến sĩ có nhiều cơ hội nhận được trợ cấp tài chánh hơn so với sinh viên bậc cử nhân, nhưng các khoản trợ cấp này cũng rất hạn chế. Hầu hết những khoản trợ cấp tài chánh của chính phủ hoặc của tư nhân chỉ dành cho những người có quốc tịch Mỹ mà thôi.
Mặc dầu vậy nhưng trong trường hợp có ý định sang Mỹ du học mà không đủ khả năng tự đài thọ phí tổn, các bạn có thể tìm hiểu xem ở trong nước có những nguồn tài trợ nào của chính phủ hoặc của tư nhân hay không. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể liên lạc với Tòa đại sứ Hoa Kỳ hoặc với văn phòng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ở quốc gia mà các bạn đang cư ngụ để dò hỏi về những chương trình cấp phát học bổng của chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm được một danh sách các trường Đại học ở Mỹ có cung cấp học bổng cho sinh viên ngoại quốc bằng cách truy cập internet và vào web site www.edupass.org Web site này cũng có thông tin về những nơi mà các bạn có thể nộp đơn để xin học bổng hoặc vay tiền để học Đại học ở Mỹ.
Chúng tôi xin lưu ý các bạn là đừng bao giờ nộp bất cứ một khoản tiền nào khi các bạn nộp đơn xin học bổng. Lý do là vì, theo luật lệ hiện hành ở Hoa Kỳ, việc đòi lệ phí như thế là bất hợp pháp.
LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN DI DÂN TÍNH ĐẾN THÁNG 12-2007
A-IR-1, IR-2, IR-5 (Vợ, con vị thành niên, cha mẹ của công dân Hoa Kỳ, luôn luôn hiệu lực)
B- Ưu tiên F1-1: Xét đến 08-01-2002 (Tăng 4 tuần)
C- Ưu tiên F2-A: Xét đến 15-01-2003 (Tăng 4 tuần)
D- Ưu tiên F2-B: Xét đến 15-10-1998 (Tăng 4 tuần)
E- Ưu tiên F3: Xét đến 08-04-2000 (Tăng 5 tuần)
F- Ưu tiên F4: Xét đến 22-06-1997 (Tăng 4 tuần)
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM và sáng Chủ Nhật từ 11:00AM, trên các làn sóng 68AM, 1430AM, 1500AM, và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 533-8228, Sacramento (916) 393-3388 hay qua Email: info@rmiodp.com.